Phân biệt các loại mụn thường gặp và cách trị mụn

Đăng bởi Hà Anh Đào

Phân biệt các loại mụn thường gặp và cách trị mụn

Mụn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Mỗi loại mụn khác nhau cần có những cách điều trị khác nhau để mang lại hiệu quả tốt nhất. Vì vậy việc phân biệt các loại mụn khi điều trị là vô cùng quan trọng.

Mụn là bệnh ngoài da thường gặp ở bất cứ giới tính nào và đem lại nhiều bất tiện trong cuộc sống. Những loại mụn khác nhau sẽ có nguyên nhân và cách điều trị không giống nhau. Việc không phân biệt được các loại mụn dễ khiến việc điều trị sai lầm, làm tình trạng mụn nặng hơn.

Trong nội dung bài viết dưới đây, BookingCare sẽ giúp bạn phân biệt các loại mụn thường gặp để từ đó có cách xử lý phù hợp.

Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, khi gặp các vấn đề về mụn trên da, bạn đọc tốt nhất nên thăm khám với các bác sĩ Da liễu để có kết luận chính xác, phác đồ điều trị chuẩn y khoa.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ Da liễu Trần Thị Thắm.  

Các loại mụn thường gặp

BookingCare đã tổng hợp 6 loại mụn thường gặp với những nguyên nhân, dấu hiệu cụ thể để bạn đọc tham khảo

1. Mụn trứng cá

Mụn trứng cá là tình trạng viêm mãn tính của đơn vị nang lông- tuyến bã hay gặp ở mặt, ngực và lưng. Mụn trứng cá gặp ở mọi độ tuổi, mọi giới tính và có thể tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt là ở tuổi dậy thì hoặc các giai đoạn thay đổi hormone trong cơ thể. Mụn trứng cá bị nhiễm trùng có thể hình thành mụn bọc, mụn nang nguy hiểm cho làn da.

Mụn trứng cá không sớm điều trị có thể bùng phát mạnh gây mất thẩm mỹ. Sau đó sẽ để lại các vết sẹo lồi, sẹo lõm, thâm sẹo trên da.

Dấu hiệu mụn trứng cá
  • Mụn trứng cá đầu trắng: Mụn có nhân trắng nổi gồ trên bề mặt da.
  • Mụn trứng cá đầu đen: Xuất hiện trên bề mặt da và có màu đen do sự oxy hóa mụn đầu trắng trên bề mặt da.
  • Mụn trứng cá mủ: Nổi cộm trên bề mặt da, sưng đỏ và có mủ trắng ở đầu. Sau khi lấy nhân mụn thường để lại vết thâm.
  • Mụn trứng cá sẩn viêm : Nổi rõ trên bề mặt da, sưng đỏ và cứng, gây đau, khó chịu.
  • Mụn trứng cá dạng nang: Mụn nổi rõ trên da, to, sưng đau và nhiều mủ, có thể để lại sẹo khi lấy nhân mụn.
Nguyên nhân mụn trứng cá
  • Da chết, bã nhờn tích tụ trên da gây bít tắc lỗ chân lông 
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Trang điểm thường xuyên
  • Căng thẳng, stress, thức khuya, ngủ không đủ giấc
  • Chế độ ăn uống không khoa học, sử dụng rượu bia, thuốc lá,...
  • Làm sạch và chăm sóc da sai cách
Điều trị mụn trứng cá
  • Dùng thuốc chứa các hoạt chất: Benzoyl peroxide, Salicylic Acid, Retinoid,...
  • Kháng sinh đường uống
  • Thuốc tránh thai
  • Thuốc kháng khuẩn tại chỗ
  • Isotretinoin

Lưu ý:

  • Việc sử dụng thuốc điều trị mụn trứng cá cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ Da liễu vì nhiều loại thuốc có tác dụng phụ không mong muốn.
  • Cần kết hợp việc điều trị bằng thuốc với bác sĩ Da liễu và chăm sóc da tại nhà để có kết quả tốt nhất.

2. Mụn ẩn

Mụn ẩn ở má hay mụn ẩn ở trán, cằm, mũi là tình trạng khá thường gặp. Mụn ẩn là một dạng của mụn trứng cá, nằm sâu trong da, tệp màu da và khó có thể quan sát được bằng mắt thường. Tuy nhiên, khi đưa tay sờ hoặc dùng ánh sáng có thể thấy được mụn sần, lộm cộm.

Mụn ẩn dưới da thường ít được quan tâm do chưa ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ. Tuy nhiên, chăm sóc da đúng cách hoặc tác động xấu từ môi trường có thể khiến mụn ẩn phát triển thành mụn viêm, sưng, mụn bọc.

Dấu hiệu mụn ẩn
  • Nằm ẩn dưới da,  có nhân trắng khi lấy ra, không viêm, khiến vùng da sần sùi.
  • Có màu giống màu da, kích thước nhỏ.
  • Mụn thường mọc thành cụm và có xu hướng lan rộng.
Nguyên nhân mụn ẩn
  • Rối loạn hormone
  • Lạm dụng hoặc sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, vệ sinh da không sạch sẽ
  • Chế độ sinh hoạt không khoa học
  • Tích tụ chất độc, kim loại nặng trong thực phẩm, mỹ phẩm lâu ngày
  • Chức năng giải độc của cơ thể suy giảm
Điều trị mụn ẩn
  • Điều trị bằng phương pháp thiên nhiên: Rau diếp cá, nha đam, mướp đắng,...
  • Dùng thuốc bôi trực tiếp trên da hoặc kháng sinh đường uống
  • Trị mụn ẩn bằng Laser

Lưu ý:

  • Không nên tự ý nặn mụn ẩn vì có thể khiến da bị tổn thương, vi khuẩn trên tay dễ xâm nhập gây nên viêm nhiễm.
  • Nếu muốn nặn mụn và điều trị, nên nhờ đến sự tư vấn của các bác sĩ Da liễu để tìm ra phương pháp phù hợp nhất.

3. Sợi bã nhờn

Sợi bã nhờn thường dễ bị nhầm lẫn với mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng. Thực tế, sợi bã nhờn không phải mụn và không có nhân. Sợi bã nhờn là một thành phần thiết yếu của da và được tạo ra bởi các tuyến bã nhờn. 

Dấu hiệu nhận biết sợi bã nhờn
  • Nhỏ li ti, hay mọc thành cụm.
  • Nặn nhân ra có dạng sợi dài, nhỏ màu trắng (Không phải nhân cứng và ngắn như mụn).
  • Sờ không thấy cứng hay cộm, tương đối mềm mại.
  • Sợi bã nhờn thường nằm ở cằm, cánh mũi, nhân trung, đầu mũi.
Nguyên nhân gây ra sợi bã nhờn

Tuyến bã nhờn tăng tiết dầu gây tắc nghẽn lỗ chân lông.

Điều trị sợi bã nhờn
  • Xông hơi cho lỗ chân lông giãn ra sau đó dùng tay ép nhẹ.
  • Lột mụn (Không nên áp dụng thường xuyên).

Lưu ý:

  • Không nên cố nặn sợi bã nhờn bằng tay hoặc các dụng cụ không vệ sinh khi lỗ chân lông còn khít vì có thể biến nó thành mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn viêm.
  • Sau khi loại bỏ, cần chăm sóc da đúng cách để tránh sợi bã nhờn quay trở lại.
Một số loại mụn thường gặp
Một số loại mụn thường gặp - Ảnh: thanhnien.vn

4. Mụn viêm, mụn bọc

Mụn bọc, mụn viêm là tình trạng mụn sưng viêm, cứng, có chứa mủ màu trắng hoặc vàng bên trong và gây đau nhức. Mụn viêm, mụn bọc điều trị không đúng cách có thể lan rộng hoặc để lại sẹo về sau.

Dấu hiệu mụn bọc
  • Thường thấy ở những vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như vùng mặt, cổ, ngực,…
  • Mụn mọc riêng lẻ hoặc thành từng cụm, ăn sâu dưới da, mụn lớn, chứa mủ bên trong
  • Ban đầu mụn cứng, khó vỡ hơn mụn thông thường. Về sau mụn mềm hơn, có thể tự vỡ hoặc do cạy, nặn
  • Mụn gây đau nhức
Nguyên nhân mụn bọc
  • Bít tắc lỗ chân lông
  • Rối loạn hormone
  • Chế độ sinh hoạt, ăn uống không hợp lý, căng thẳng, mệt mỏi thường xuyên
  • Sử dụng thuốc, mỹ phẩm gây ra mụn bọc
Điều trị mụn bọc
  • Sử dụng thuốc bôi ngoài da: Retinoid, Benzoyl peroxide, Salicylic acid,...
  • Thuốc kháng sinh đường uống
  • Isotretinoin

Lưu ý:

  • Tuyệt đối không tự ý nặn mụn bọc để tránh viêm nhiễm, để lại sẹo
  • Nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ Da liễu để điều trị mụn bọc, tránh để tình trạng mụn lan rộng và khó điều trị hơn.

5. Mụn đinh râu

Đinh râu là loại mụn thường gặp ở người trưởng thành. Mụn đinh râu có thể gây ra biến chứng khi lây nhiễm mạnh lan vào các xoang mặt gây viêm, tắc tĩnh mạch xoang dẫn đến nhiễm trùng máu

Dấu hiệu mụn đinh râu
  • Là loại mụn nhọt , thường mọc quanh miệng
  • Ban đầu là vết sưng đau, sau đó mưng mủ và có ngòi đen như đầu đinh
  • Mụn tấy đỏ, sưng và đau nhức, sờ vào thấy nóng
  • Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, sốt cao li bì > 40 độ, bồn chồn,...
Nguyên nhân mụn đinh râu
  • Do nặn mụn trứng cá gây ra nhiễm trùng
  • Mụn tự nhiên mọc lên bởi từ một vết xước, vết thương hở quanh môi, cằm
Điều trị mụn đinh râu
  • Nếu mụn tự vỡ, dùng bông y tế vô khuẩn thấm dịch, lấy đinh râu ra ngoài sau đó sát trùng bằng cồn iod.
  • Nếu mụn không vỡ và có dấu hiệu nặng hơn, nên đến ngay các bệnh viện, phòng khám Da liễu để điều trị với bác sĩ.

Lưu ý:

  • Bệnh nhân không tự nặn, hút, hoặc chườm nóng, chườm lạnh vì có thể dẫn đến nhiễm trùng
  • Nếu mụn tự vỡ, bệnh nhân có thể gặp bác sĩ Da liễu để được tư vấn chăm sóc đúng cách, tránh tái phát hoặc biến chứng.
  • Mụn không vỡ kèm các biểu hiện sốt, đau, nhức thì bệnh nhân cần chọn phòng khám da liễu uy tín gần nhà để điều trị ngay,  tránh để lại biến chứng.

6. Mụn thịt

Mụn thịt là một dạng u lành tính thường gặp ở người trưởng thành. Tuy không ảnh hưởng tới sức khỏe, mụn thịt lại dễ gây mất thẩm mỹ, đặc biệt là mụn thịt ở vùng mắt, cổ,...

Dấu hiệu mụn thịt
  • Mụn nhỏ, kích thước 1-3mm, có thể mọc riêng lẻ hoặc thành đám
  • Đồng màu với da hoặc hơi ngả vàng
  • Không sưng đau, không viêm, có thể gây ngứa ngáy
  • Thường xuất hiện tại các vùng quanh mắt, trán, gò má, cổ, nách, ngực, bụng, bộ phận sinh dục
Nguyên nhân mụn thịt
  • Rối loạn chuyển hoá dưới da
  • Các collagen và mạch máu bị mắc kẹt bên trong da
  • Cọ sát vào nhiều ở một vùng da 
Điều trị mụn thịt
  • Áp dụng các biện pháp thiên nhiên: trà tràm, giấm táo,...
  • Đốt mụn thịt
  • Áp lạnh
  • Thắt bằng chỉ phẫu thuật
  • Cắt bỏ

Lưu ý:

  • Bệnh nhân không tự ý dùng các vật nhọn để loại bỏ mụn thịt vì có thể gây nhiễm trùng
  • Nên đi khám với bác sĩ ngay khi có những biểu hiện bất thường: mụn sưng đau, ngứa, mụn lớn, thay đổi màu sắc,...

Điều trị mụn đúng cách

Việc điều trị mụn cũng như các bệnh ngoài da khác cần có sự chăm sóc từ bên trong và bên ngoài, kết hợp điều trị tại nhà và thăm khám với các bác sĩ Da liễu khi cần thiết.

Tags : bác sĩ bệnh da bệnh viện clinic da da liễu da liễu trung ương mụn phòng khám phòng khám da liễu trung ương
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: