-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

Phân biệt zona và viêm da tiếp xúc khác nhau thế nào?
Đăng bởi Hà Anh Đào
Phân biệt zona và viêm da tiếp xúc khác nhau thế nào?
Hiện nay nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa viêm da tiếp xúc và zona bởi cả hai đều là những bệnh lý nhiễm trùng ngoài da với triệu chứng khá tương đồng. Nếu không biết cách phân biệt zona và viêm da tiếp xúc sẽ khiến việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn, không chỉ khiến quá trình điều trị kéo dài mà người bệnh còn có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là di chứng suốt đời.
Zona thần kinh là bệnh gì?
Zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng da, tác nhân gây bệnh được xác định là virus Varicella zoster. VZV gây ra bệnh thủy đậu, sau khi khỏi bệnh, chúng không bị tiêu diệt mà vẫn tồn tại âm thầm trong hạch thần kinh của người bệnh suốt một thời gian dài, thậm chí là nhiều năm. Nếu gặp các yếu tố thuận lợi, chúng sẽ hoạt động trở lại và gây ra bệnh zona thần kinh. Người suy giảm miễn dịch như mắc bệnh HIV/AIDS, đang điều trị ung thư, dùng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài, người cao tuổi, người có bệnh nền mạn tính,… có tỷ lệ mắc bệnh zona thần kinh cao
Người mắc zona thần kinh thường phải trải qua cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, các cơn đau thần kinh, đau dữ dội kèm theo các bọng nước chứa đầy dịch xuất hiện rải rác hoặc thành từng chùm, cụm, vệt dài song song dây thần kinh và chỉ có ở một bên cơ thể. Bọng nước sẽ vỡ, xẹp xuống sau một thời gian và nhiều trường hợp để lại sẹo xấu ở vùng da đó.

Viêm da tiếp xúc là gì?
Viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu thường gặp trong cuộc sống, dễ mắc do nhiều nguyên nhân như tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại, phấn hoa, mỹ phẩm kém chất lượng, một số loại cây có chứa urushiol (1) (thường xuân, cây sồi, cây sơn), lông động vật, nguồn nước bẩn, độc tố từ côn trùng (muỗi, kiến ba khoang cắn)… Phát ban thường xuất hiện trong vòng vài ngày sau khi tiếp xúc, người bệnh không chỉ cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu mà còn gây ảnh hưởng thẩm mỹ về da sau này.

Phân biệt zona và viêm da tiếp xúc
Tuy những biểu hiện tại vị trí tổn thương có nhiều điểm khá giống nhau nhưng chuyên gia chia sẻ vẫn có thể phân biệt zona thần kinh và viêm da tiếp xúc dựa trên nhiều yếu tố như:
Tiêu chí | Zona thần kinh | Viêm da tiếp xúc |
Nguyên nhân | Gây ra do sự tái hoạt động của virus VZV, phổ biến ở những người suy giảm miễn dịch, suy nhược cơ thể, thường xuyên căng thẳng, người lớn tuổi,… Người có nguy cơ cao mắc zona thần kinh là người trước đây đã từng bị thủy đậu. | Do tiếp xúc với các hóa chất độc hại, phấn hoa, mỹ phẩm kém chất lượng, một số loại cây có chứa urushiol (thường xuân, cây sồi, cây sơn), lông động vật, nguồn nước bẩn, độc tố từ côn trùng (muỗi, kiến ba khoang cắn) gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc viêm da tiếp xúc do côn trùng. Cụ thể:
– Viêm da tiếp xúc dị ứng: là tình trạng viêm da khi da tiếp xúc với dị nguyên (allergen (2)) dẫn đến phản ứng sau 12 đến 72 giờ tiếp xúc. Da có thể ngay lập tức kích ứng với một chất chỉ với một lần tiếp xúc hoặc nhiều lần tiếp xúc. – Viêm da tiếp xúc kích ứng: là trình trạng viêm da khi da tiếp xúc với chất kích ứng nhẹ trong một thời gian dài hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất kích ứng mạnh. – Viêm da tiếp xúc do côn trùng: là tình trạng da bị tổn thương do côn trùng cắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, nọc độc, độc tố trên thân côn trùng (muỗi, kiến ba khoang cắn). |
Thời điểm dễ mắc bệnh trong năm | Thời tiết chuyển mùa hay thời tiết nóng ẩm là thời điểm dễ mắc bệnh zona thần kinh trong năm, đặc biệt là ở những người suy giảm hệ miễn dịch, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, căng thẳng, người lớn trên 50 tuổi, người mắc bệnh ung thư đang điều trị bằng phương pháp xạ trị… | Thời tiết chuyển mùa, nóng ẩm thất thường là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật trú ngụ trên da phát triển nhanh chóng, làn da trở nên nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh dẫn đến việc xuất hiện nhiều hơn các bệnh về da, trong đó có bệnh viêm da tiếp xúc. |
Triệu chứng phổ biến | Bệnh zona thần kinh khiến người bệnh phải trải qua cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, các cơn đau thần kinh, đau dữ dội kèm theo các bọng nước chứa đầy dịch xuất hiện rải rác hoặc thành từng chùm, từng cụm, vệt dài song song dây thần kinh và chỉ có ở một bên cơ thể. Bọng nước sẽ vỡ, xẹp xuống sau một thời gian và nhiều trường hợp để lại sẹo xấu ở vùng da đó. | – Viêm da tiếp xúc dị ứng: Vùng da bị đỏ, da khô từng mảng, đóng vảy, mụn nước chứa chất dịch và rỉ nước, ngứa hoặc nóng rát. Trong một số trường hợp nếu vùng da bị dị ứng nằm ở vị trí nhạy cảm sẽ gây sưng mắt, sưng mặt và vùng sinh dục. Đối với trường hợp nghiêm trọng, người bệnh sẽ nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, da nổi mề đay, trở nên sẫm màu, sần sùi và dễ nứt nẻ.
– Viêm da tiếp xúc kích ứng: Vùng da dần trở nên khô ráp, dễ nứt nẻ và hình thành các vết loét gây đau đớn… Những người thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất mạnh, chất tẩy rửa mạnh,… có nguy cơ cao mắc viêm da tiếp xúc kích ứng. – Viêm da tiếp xúc do côn trùng: Vùng da bị tổn thương sẽ có cảm giác nóng rát, ngứa ngáy, khó chịu tải chỗ đi kèm với các triệu chứng sốt, mệt mỏi. |
Vị trí tổn thương ngoài da | Tập trung ở 1 bên cơ thể (có thể là bên trái hoặc bên phải), tạo thành một dải quấn quanh 1 bên eo, mặt, mắt, cổ, ngực, lưng, bả vai hoặc một bên thân chạy dọc dây thần kinh liên sườn. | Vị trí tổn thương không cố định mà sẽ phụ thuộc vào chỗ tiếp xúc với các chất gây kích ứng/ dị ứng da. |
Cảm giác đặc trưng | Nóng rát và đau nhức dữ dội là hai cảm giác đặc trưng nhất khi nói đến bệnh zona thần kinh. Đặc biệt là các cơn đau nhức dọc dây thần kinh liên sườn. Cảm giác nóng rát, phát ban, ngứa ngáy và đau nhức sẽ ngày càng dữ dội hơn trong giai đoạn bùng phát cấp tính. | Viêm da tiếp xúc dị ứng: tạo cảm giác ngứa nhiều hơn đau.
Viêm da tiếp xúc kích ứng: gây cảm giác đau hơn là ngứa, khó chịu. (3) |
Biến chứng | Bệnh zona thần kinh ngoài việc để lại sẹo gây mất thẩm mỹ còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm làm mất thị lực vĩnh viễn, mất thính giác, tê liệt mặt, viêm phổi, viêm não và những cơn đau nhức dây thần kinh sau Zona (PHN) kéo dài dai dẳng. | Viêm da tiếp xúc không những làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh mà còn gây ra nhiều biến chứng như: viêm da tiếp xúc bội nhiễm, viêm da thần kinh,… |
Thời gian khỏi bệnh | Thời gian khỏi bệnh zona thần kinh thường khoảng từ 1 đến 2 tuần, tùy vào thể trạng sức khỏe của mỗi người mà thời gian khỏi bệnh sẽ khác nhau. Trong một số trường hợp điều trị biến chứng PHN thì cần ít nhất 3 tháng để các triệu chứng đau được cải thiện. | Thời gian khỏi bệnh viêm da tiếp xúc thông thường là khoảng 3 tuần. Sau khi ngưng tiếp xúc với các chất gây dị ứng/ kích ứng, độc tố từ côn trùng, các triệu chứng sẽ thuyên giảm và hết dần nếu được điều trị và chăm sóc cẩn thận. |
Cách điều trị zona thần kinh và viêm da tiếp xúc
Điều trị zona thần kinh
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Để ức chế sự phát triển của virus VZV gây hại, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc kháng virus. Nếu người bệnh có dấu hiệu zona bội nhiễm, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc thuốc giảm đau cải thiện các cơn đau sau thần kinh dai dẳng. Lưu ý: cần tuân thủ quy định của bác sĩ điều trị, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc ở ngoài để tránh các tác phụ phụ không đáng có có thể xảy ra.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ việc điều trị bệnh, tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể mạnh mẽ, chống lại các tác nhân gây bệnh. Theo đó, người bệnh cần bổ sung các loại thực phẩm giàu lysine như thịt, cá, trứng, sữa, các loại chất xơ, trái cây giàu vitamin B6, vitamin B12, vitamin C mỗi ngày. Bên cạnh đó, để việc điều trị hiệu quả, người bệnh cũng cần kiêng một số loại thực phẩm chế biến nhanh, chiên xào, có nhiều dầu mỡ, đồ nếp, socola và tuyệt đối không uống chất kích thích như rượu, bia,…

Điều trị viêm da tiếp xúc
Để điều trị hiệu quả bệnh viêm da tiếp xúc, trước tiên cần tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất gây kích ứng da, đồng thời cần kết hợp giữa việc điều trị bằng thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt.
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ (lưu ý người bệnh zona không được tự ý sử dụng thuốc, cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ)
Điều trị viêm da tiếp xúc mức độ nặng và có dấu hiệu lan rộng:
- Sử dụng thuốc có chứa thành phần corticoid dạng gel bôi hoặc dạng uống để điều trị tình trạng viêm nhiễm và giảm thiểu phù nề cho người bệnh.
- Thuốc kháng histamin (thuốc chống ngứa) đường uống cũng được chỉ định trong trường hợp này nhằm hạn chế cảm giác ngứa nghiêm trọng, tạo sự thoải mái, dễ chịu cho người bệnh.
- Trong trường hợp vùng da tổn thương có dấu hiệu nhiễm khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định thêm để tăng hiệu quả chữa trị.
- Vệ sinh vùng da bị tổn thương bằng thuốc tím giúp sát khuẩn và giảm lượng dịch tiết trên da rất hiệu quả.
Điều trị viêm da tiếp xúc mức độ nhẹ:
- Corticosteroid dạng uống kết hợp thuốc bôi ngoài da để kiểm soát được tình trạng viêm da tiếp xúc nhẹ.
- Thuốc kháng histamin đường uống cũng được sử dụng để chống ngứa cùng một số loại Vitamin và kẽm để đẩy nhanh tốc độ lành vết thương và phục hồi da.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng
Để phòng ngừa bệnh viêm da tiếp xúc có dấu hiệu biến chứng, trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tránh gãi, cào, làm xước hay tác động mạnh tới vùng da bị tổn thương. Ngoài ra, xây dựng chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt hợp lý sẽ cải thiện đáng kể tình trạng sưng đỏ, phù nề, ngứa ngáy do viêm da tiếp xúc gây ra.
Theo đó, người bệnh cần kiêng các loại hải sản, các loại thịt béo như thịt bò, thịt cừu, thịt mỡ lợn…, các chế phẩm làm từ sữa, thực phẩm chứa nhiều đường, thực phẩm chế biến nhanh, thực phẩm chua như dưa chua, rau cải muối chua… Bổ sung các loại rau, củ, quả giàu vitamin, các loại cá tươi như cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá chép giàu omega 3, thịt heo nạc và uống đủ nước mỗi ngày.
Phòng ngừa lây nhiễm zona thần kinh và viêm da tiếp xúc
Người mắc bệnh zona thần kinh có thể lây truyền virus Varicella-Zoster sang một người chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vắc xin thủy đậu, chưa có kháng thể phòng bệnh. Do đó, để phòng ngừa lây nhiễm zona thần kinh cho người khác, cần lưu ý những điều sau:
- Tránh tiếp xúc gần với những đối tượng yếu thế như: trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người có suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính,…
- Chủ động tiêm vắc xin ngừa bệnh để ngăn ngừa bệnh thủy đậu và tránh được zona thần kinh.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và che chắn các vết phát ban, bọng nước.
- Tránh chạm, gãi vào vùng da bị tổn thương.
- Rửa và sát khuẩn tay thường xuyên.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nơi ở thoáng khí, chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Riêng với bệnh viêm da tiếp xúc thì đây là bệnh lý KHÔNG LÂY! Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị tình trạng phát ban ngứa ngáy, sưng đỏ, phù nề do da tiếp xúc trực tiếp với các chất gây dị ứng/ chất gây kích ứng. Bệnh không lây truyền sang người khác và nguyên nhân gây dị ứng/ kích ứng ở từng người sẽ khác nhau.
Những thông tin quan trọng về cách phân biệt zona và viêm da tiếp xúc sẽ giúp mọi người phát hiện các triệu chứng bệnh sớm, chủ động điều trị và chăm sóc cẩn thận để cải thiện tình trạng bệnh, nhanh phục hồi sức khỏe và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
Tags :
bác sĩ
bảo vệ
bệnh da
bệnh viện
chăm sóc
clinic
da
da liễu
da liễu trung ương
nguyên nhân
phòng khám
phòng khám da liễu
thói quen
điều trị